Ngày 10/3, tại TP.HCM, Phân viện Vật liệu xây dựng miền Nam, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp Câu lạc bộ Khởi Nghiệp Mộc (TP.HCM) và các Hội, Câu lạc bộ khu vực phía Nam tổ chức Hội thảo “Pháp luật đồng hành cùng doanh nghiệp – xu thế Net Zero trong xây dựng” với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Với vai trò là đại diện phía Nam của Viện Vật liệu xây dựng, thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, phục vụ quản lí nhà nước trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, Phân viện Vật liệu xây dựng miền Nam đã giới thiệu tổng quản về xu thế Net Zero toàn cầu, đồng thời cung cấp thông tin về năng lực nghiên cứu, thí nghiệm, kiểm định, đánh giá chứng nhận các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh – một trong những đối tượng mục tiêu chính của xu thế Net Zero trong xây dựng.
Tiến sĩ Lê Văn Quang, Giám đốc Phân viện Vật liệu xây dựng miền Nam cho biết, với mục tiêu giảm phát thải khí carbon, trung hoà carbon, hay phát thải bằng 0 – Net Zero, hiện đang là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia và tổ chức, nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo Tiến sĩ Lê Văn Quang, Hội thảo này nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, về trạng thái không phát thải carbon dioxide, hoặc có thể được hiểu là không thêm vào tổng lượng khí nhà kính thải ra khí quyển; từ đó góp phần cân bằng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, do hoạt động của con người.
“Net Zero có nghĩa là đạt được sự cân bằng giữa carbon thải vào khí quyển và carbon loại bỏ khỏi khí quyển. Trong lĩnh vực xây dựng của chúng ta, để đạt được mức Net Zero thì cần phải cắt giảm lượng khí thải từ nhà cửa, xây dựng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp,… Nói cách khác, các ngành này sẽ giảm lượng carbon thải vào khí quyển. Còn với những lượng khí thải còn sót lại sẽ cần phải được loại bỏ khỏi khí quyển bằng cách thay đổi cách chúng ta sử dụng đất của mình để đất có thể hấp thụ nhiều carbon dioxide hơn hoặc bằng cách được chiết xuất trực tiếp thông qua các công nghệ được gọi là thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon”, Tiến sĩ Lê Văn Quang chia sẻ.
Trong phần trao đổi của mình, ông Phùng Minh Phước – Chuyên viên xây dựng Công ty Cổ phần Tích hợp năng lượng IED nhấn mạnh rằng, xây dựng thông minh là một khái niệm ngày càng được chú trọng trong ngành công nghiệp xây dựng hiện đại. Bằng cách tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và các công nghệ mới, xây dựng thông minh hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho việc xây dựng các công trình từ nhỏ đến lớn.
Theo ông Phùng Minh Phước, một trong những ưu điểm quan trọng của xây dựng thông minh là tăng cường hiệu suất và năng suất công việc. Công nghệ thông minh cho phép tự động hóa các quy trình xây dựng, giảm thiểu sự phụ thuộc vào lao động thủ công và tối ưu hóa sử dụng nguồn lực. Hơn nữa, sự kết hợp của trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu giúp dự đoán và ứng phó với các vấn đề tiềm năng, từ việc phát hiện lỗi trong kết cấu đến dự báo tiến độ và nguồn lực cần thiết. Điều này giúp tăng cường quản lý dự án và đảm bảo sự liên tục và chất lượng của công trình.
Đồng thời, xây dựng thông minh không chỉ mang lại hiệu suất và tiện ích, mà còn đóng góp vào việc xây dựng bền vững. Các công nghệ xanh được tích hợp vào quá trình xây dựng thông minh giúp giảm thiểu tác động đến môi trường và tài nguyên tự nhiên. Sử dụng vật liệu xanh, hệ thống tiết kiệm năng lượng và tái chế, xây dựng thông minh sẽ góp phần vào việc xây dựng các công trình thân thiện với môi trường và hướng tới sự bền vững.
Tại Hội thảo, các diễn giả đã trình bày về xây dựng khu công nghiệp thông minh, lưới điện thông minh trong khu công nghiệp và giải pháp giảm phát thải carbon. Các nội dung trình bày đã thu hút sự quan tâm của người tham dự và các cơ quan truyền thông, nhận được nhiều câu hỏi trao đổi, bàn luận về các kiến nghị và giải pháp để xây dựng khu công nghiệp thông minh.
Với vai trò thành viên Ban tổ chức Hội thảo, bà Nguyễn Hồng Thu – Chủ tịch Câu lạc bộ Khởi Nghiệp Mộc (TP.HCM) trân trọng cám ơn các câu lạc bộ, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đồng hành cùng chương trình, trên tinh thần học hỏi kinh nghiệm, đoàn kết, hữu nghị tạo giá trị phát triển kinh tế, xã hội cho TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
“Đây là lần đầu Phân viện Vật liệu xây dựng miền Nam cùng nhiều câu lạc bộ, doanh nghiệp tổ chức sự kiện này. Và thông qua Hội thảo với mong muốn tạo sân chơi cho các doanh nhân, doanh nghiệp cùng nhau đoàn kết tháo gỡ khó khăn; chủ động, tích cực tìm kiếm thị trường, phát triển thương hiệu, sản phẩm, liên doanh liên kết, duy trì ổn định phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời góp phần giúp nhà quản lí về ‘Xu thế Net Zero trong xây dựng, tức giảm phát thải ra môi trường đến mức thấp nhất bằng 0”, bà Nguyễn Hồng Thu cho biết thêm.
Với vai trò khách mời của Viện Vật liệu xây dựng miền Nam, NPOIL cũng đã mang đến những sản phẩm thân thiện với môi trường để ra mắt trong buổi Hội thảo.Hiện nay, NPoil đã dành 40% sản lượng sản phẩm sản xuất từ các loại dầu nhớt áp dụng công nghệ bán tổng hợp và tổng hợp. Theo đó, lượng khí thải độc hại ra môi trường từ các phương tiện sử dụng dầu nhớt của NPoil giảm đáng kể. Cụ thể, động cơ khi dùng sản phẩm dầu tổng hợp của NPoil giảm từ 30 – 40% lượng khí thải ra môi trường so với động cơ dùng dầu gốc khoáng, con số này ở sản phẩm dầu bán tổng hợp là 10 – 20%.
Ngoài ra, dầu nhớt của NPoil còn có tuổi thọ cao hơn, giúp giảm thiểu lượng dầu nhớt thải ra môi trường. Cụ thể, động cơ dùng dầu gốc khoáng chỉ chạy được từ 5.000 – 6.000km, thì với dầu tổng hợp con số này lên đến 10.000km.
“Trong thời gian tới, với xu thế của thế giới ngày càng nâng cao nhận thức của con người trong phát triển xanh, NPoil sẽ dần chuyển dịch cơ cấu sản xuất các loại dầu chất lượng cao, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời, đưa NPoil trở thành thương hiệu xanh – bền vững.”
Nguồn: Báo Tài Nguyên và Môi Trường